Ngày 5/5, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam họp với liên danh Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1 và Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 2 để xem xét nội dung báo cáo về sự cần thiết xây dựng hệ thống truyền tải điện cao áp một chiều (HVDC) Bắc - Nam.
Theo ông Phạm Nguyên Hùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1 (PECC1): Hệ thống truyền tải điện HVDC là một phương pháp truyền tải điện năng với công suất lớn, khoảng cách xa. Các công trình này được xây dựng chủ yếu tại các nước có diện tích lớn hoặc địa hình trải dài.
Ưu điểm của HVDC là truyền tải công suất trên một khoảng cách lớn mà không bị giảm khả năng tải như đường dây xoay chiều. Điều khiển dòng năng lượng rất nhanh, do đó nâng cao độ ổn định, không chỉ đối với các liên kết HVDC mà còn đối với hệ thống xoay chiều bao quanh. Việc nối liên kết các hệ thống điện bằng đường dây tải điện một chiều sẽ làm hạn chế công suất ngắn mạch trong hệ thống điện liên kết.
Hệ thống HVDC có thể truyền tải công suất lớn hơn đối với cùng một cỡ dây so với hệ thống xoay chiều; cho phép truyền tải điện năng giữa hai hệ thống xoay chiều có tần số khác nhau (liên kết qua lại giữa hai hệ thống xoay chiều khác tần số).
Tuy nhiên, giá thành HVDC còn cao, phải lắp đặt thêm các thiết bị bù công suất phản kháng tại các trạm biến đổi và phức tạp hơn trong điều khiển.
Theo PECC1, hệ thống điện Việt Nam hiện nay phân bố nguồn điện không đồng đều giữa các miền/ khu vực trong cả nước đặt ra nhu cầu truyền tải công suất lớn theo hướng Bắc - Trung - Nam, trong khi năng lực truyền tải liên miền còn nhiều hạn chế, dẫn đến độ dự trữ và an toàn trong truyền tải còn thấp. Công suất truyền tải trên đường truyền Bắc - Trung - Nam luôn ở mức cao.
Với tình hình phát triển nguồn điện trong các năm tới, vấn đề nâng cao năng lực truyền tải liên miền nhằm chia sẻ công suất từ miền Bắc, miền Trung cho miền Nam đến trước năm 2025 và từ miền Trung truyền tải cho miền Bắc, miền Nam đến giai đoạn năm 2030 là cần thiết để đảm bảo an toàn cung cấp điện, nâng cao ổn định và góp phần vận hành kinh tế hệ thống điện.
Với khoảng cách truyền tải Bắc - Nam lên tới hơn 1.700km, công suất truyền tải 3.500MW, HDVC được đánh giá là phù hợp để có thể truyền tải công suất trên khoảng cách lớn mà không bị giảm khả năng tải như đường dây xoay chiều.
Tại cuộc họp này, Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh đánh giá liên danh tư vấn đã xây dựng báo cáo tương đối hoàn chỉnh, thể hiện sự cẩn trọng khi đặt vấn đề. PECC1 và PECC2 cần tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia trong nước và nước ngoài để hoàn chỉnh báo cáo trong tháng 5/2020. Tập đoàn sẽ tiếp tục làm việc với Viện Năng lượng và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương). Nếu phương án xây dựng đáp ứng được yêu cầu, Tập đoàn sẽ đề xuất đưa dự án này vào Quy hoạch điện VIII.
A Nam - Theo Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam
- Giá mua điện mặt trời mái nhà 1.943 đồng/kWh (07.04.2020)
- Mã độc mạo danh virus Covid-19 có thể xóa sạch dữ liệu máy tính nạn nhân (06.04.2020)
- Biến đổi năng lượng từ trường thành điện cho mạng cảm biến (03.04.2020)
- EVNHCM: Huy động mọi nguồn lực đảm bảo cung cấp điện phòng chống dịch Covid-19 (03.04.2020)
- Độc đáo pin mặt trời trong suốt gắn lên cửa sổ (03.04.2020)
- Bước tiến mới trong sản xuất năng lượng xanh từ quang hợp nhân tạo (31.03.2020)
- Độc đáo sử dụng pin quang năng lượng trong các vật dụng hằng ngày (31.03.2020)
- Chế tạo pin mặt trời hữu cơ từ enzym quả đu đủ (20.03.2020)
- Ghi chỉ số điện qua hệ thống đo xa (20.03.2020)
- Những ý tưởng " độc lạ" về ứng dụng pin mặt trời trên thế giới (20.03.2020)