Để giúp các phi hành gia có được nguồn năng lượng cần thiết duy trì hoạt động trong các sứ mệnh trên Mặt Trăng, sao Hỏa, NASA vừa công bố đã tìm ra cách thu được điện mặt trời ngay trong vũ trụ.
NASA công bố tìm ra cách in tấm thu điện mặt trời trong vũ trụ
Theo hãng tin Sputnik (Nga), Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết đã tìm được phương pháp nhanh chóng để sử dụng một máy in có thể tạo ra các tế bào năng lượng mặt trời, giúp các phi hành gia có được nguồn điện ổn định, tin cậy khi cần ở lại lâu hơn trên Mặt Trăng hay Sao Hỏa trong các sứ mệnh chinh phục vũ trụ sau này.
Tế bào năng lượng mặt trời là thiết bị được tạo ra từ vật liệu bán dẫn giúp chuyển đổi ánh sáng mặt trời trực tiếp thành điện.
Trong buổi họp báo công bố về thành tựu mới này ngày 30-10, NASA cho biết phương pháp mới liên quan tới việc sử dụng một chất liệu có tên là perovskite.
Dự án mới này của NASA nhằm mục tiêu tạo ra những tấm pin năng lượng mặt trời có thể cung cấp điện đủ dùng cho những môi trường sống trên Mặt Trăng.
"Loại vật liệu này (perovskite) là một phát minh tương đối mới, nó có nhiều lợi ích cho công nghệ điện mặt trời", thông cáo của NASA nêu.
"Perovskite không chỉ là một chất dẫn điện tuyệt vời, mà còn có thể được đưa vào vũ trụ ở dạng lỏng và sau đó in lên các khung ngay trong điều kiện trên Mặt Trăng hay Sao Hỏa, không giống với các khung silicon vốn phải được tạo ra trên mặt đất rồi sau đó mới đưa vào vũ trụ", thông cáo giải thích thêm.
Theo đó, chỉ với một lít dung dịch vật liệu này, các phi hành gia sẽ có đủ vật liệu để tạo ra một megawatt điện mặt trời, nhiều hơn mức năng lượng cần thiết để duy trì hoạt động của Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Việc lắp ráp các tế bào năng lượng mặt trời trong vũ trụ cũng đòi hỏi một công nghệ mới là "electrospraying" (phun điện).
Cũng theo NASA, công nghệ in phun hoạt động tương tự như máy in phun kỹ thuật số (inkjet printer), giúp việc lắp ráp nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả. Với công nghệ này, chất perovskite được dàn thành lớp film mỏng, mỏng hơn khoảng 250 lần so với sợi tóc.
Về bản chất, perovskite là muối nên điểm bất lợi lớn nhất của nó là không có khả năng thích ứng với hơi ẩm, do đó việc sử dụng nó trên Mặt đất là khó khăn nhưng lại rất lý tưởng cho những sứ mệnh trong vũ trụ.
Mục tiêu lâu dài của NASA là tạo lập sự hiện diện dài lâu của con người trên cả Mặt Trăng lẫn Sao Hỏa.
Chia sẻ:
Tin liên quan
- EVN cung cấp công cụ tính hóa đơn điện trực tuyến cho khách hàng (21.03.2019)
- Cải thiện độ ổn định và hiệu quả lưới điện bằng hệ thống quản lý năng lượng tòa nhà theo mô hình CPS (20.03.2019)
- Đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia (18.03.2019)
- Tìm ra vi khuẩn " ăn ô nhiễm", phát ra điện (18.03.2019)
- Người dùng cần cảnh giác với mã độc tống tiền phiên bản mới nhất (18.03.2019)
- EVN SPC: Ðầu tư lớn cho hệ thống cấp điện (13.03.2019)
- Phát triển năng lượng tái tạo, giảm thiểu carbon tại Việt Nam (12.03.2019)
- EVNHCMC đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm điện (08.03.2019)
- Ngành điện phía Nam chung tay xây dựng nông thôn mới (08.03.2019)
- EVN SPC đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục (07.03.2019)