Nghiên cứu của Đại học Bang Bắc Carolina cho thấy rau diếp lá đỏ có thể phát triển bình thường dưới ánh sáng đã bị pin mặt trời lọc bớt.
Công nghệ pin mặt trời trong suốt ngày càng tiên tiến. Do đó, loại pin này có tiềm năng dùng làm vật liệu lắp cửa sổ và xây nhà kính. Để nghiên cứu xem pin mặt trời trong suốt có cản những ánh sáng thiết yếu đối với cây trồng hay không, nhóm chuyên gia tại Đại học Bang Bắc Carolina trồng thử nghiệm rau diếp lá đỏ dưới nhiều bước sóng ánh sáng khác nhau, New Atlas hôm 19/3 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Cell Reports Physical Science.
Pin mặt trời hữu cơ là nguồn cung cấp năng lượng tái tạo đáng chú ý. Chúng linh hoạt hơn các công nghệ khác, có thể chế tạo dưới dạng trong suốt hoặc nửa trong suốt. Những bước sóng ánh sáng mà chúng thu được cũng có thể điều chỉnh. Trên lý thuyết, điều này sẽ giúp pin mặt trời hữu cơ trở thành vật liệu lý tưởng để làm mái nhà kính. Khi đó, chúng có thể giữ lại một số bước sóng ánh sáng và cho phép số khác chiếu xuyên qua, tới cây cối trồng bên dưới.
Nghiên cứu mới tập trung vào ảnh hưởng của pin mặt trời đến cây cối trong nhà kính. Các chuyên gia trồng nhiều cụm rau diếp lá đỏ trong nhà kính với thời gian 30 ngày, đủ để chúng phát triển hoàn toàn. Các cụm phát triển với cùng điều kiện nhiệt độ, nước, phân bón và nồng độ CO2, chỉ khác ánh sáng.
Rau diếp được chia thành 4 cụm, một cụm nhận ánh sáng trắng thông thường và 3 cụm thí nghiệm trồng dưới ánh sáng đã đi qua các lớp lọc khác nhau. Điều này làm thay đổi tỷ lệ ánh sáng từ đỏ đến xanh lam mà cây nhận được, mô phỏng những bước sóng mà pin mặt trời trong suốt sẽ ngăn lại.
Nhóm nghiên cứu theo dõi các chỉ số thể hiện sức khỏe cây trồng, gồm số lượng và kích thước lá, cân nặng, mức CO2 chúng hấp thụ và lượng chất chống oxy hóa. Kết quả là rau diếp vẫn phát triển bất kể loại ánh sáng chúng nhận được là gì. Điều này cho thấy cây cối có thể sinh trưởng trong nhà kính có mái gắn pin mặt trời trong suốt.
"Chúng tôi không thấy khác biệt lớn nào giữa cụm rau nhận ánh sáng trắng thường với các cụm rau thí nghiệm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng không thấy khác biệt lớn giữa các lớp lọc khác nhau", Brendan O'Connor, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết. Nhóm chuyên gia đang tiếp tục nghiên cứu ảnh hưởng khi chặn một số bước sóng ánh sáng với những cây trồng khác, ví dụ như cà chua.
Chia sẻ:
Tin liên quan
- Nhóm nghiên cứu biến rác thải nhựa thành axit có thể tạo ra điện (12.12.2019)
- 5 giải pháp tái tạo năng lượng có lợi cho nhà ở Việt Nam (09.12.2019)
- Áo phông sử dụng nhiệt cơ thể tạo ra điện đốt sáng được đèn LED (09.12.2019)
- Chuẩn bị hạ tầng để phục vụ đấu thầu các dự án điện mặt trời (09.12.2019)
- Làm điện gió ngoài khơi: Lợi ích đi cùng lợi thế (07.12.2019)
- Việt Nam đảm bảo năng lượng bền vững (04.12.2019)
- Phát triển bền vững năng lượng tái tạo tại Việt Nam: Điểm nghẽn và giải pháp (04.12.2019)
- Tuần lễ lưới điện thông minh 2019 tại Việt Nam có gì? (27.11.2019)
- Nano bạch kim – niken cho khả năng lưu trữ điện bằng hydro (26.11.2019)
- Thiết bị lai mới có thể vừa thu và lưu trữ năng lượng mặt trời (25.11.2019)