Sáng 2/11, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai họp với các Bộ, ngành về việc chủ động ứng phó với bão Goni (bão số 10). Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng – Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương đồng chủ trì cuộc họp.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp |
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam có ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc tham dự cuộc họp.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, dự báo, đêm ngày 4/11, sáng ngày 5/11, bão đổ bộ vào khu vực từ Đà Nẵng - Phú Yên với sức gió cấp 9, giật cấp 12; thời điểm này mực nước triều cao nhất đạt 0,84m, sóng biển cao từ 4-6m.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: Bão số 10 đã vào biển Đông, mặc dù giảm cấp nhưng diễn biến rất phức tạp cả về đường đi và cấp độ. Cơn bão khi vào đất liền sẽ gây mưa lớn, có nơi lên đến 400mm nên không được chủ quan.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân còn bị mất tích, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn; chuẩn bị lương thực, nhu yếu phấm thiết yếu theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn; đặc biệt đối với các khu vực còn bị ngập lụt, chia cắt, cung cấp lương thực, thực phẩm, y tế, nhu yếu phẩm thiết yếu khác để đảm bảo cuộc sống của người dân, phòng, chống dịch bệnh.
Tập trung sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng của người dân, khôi phục hạ tầng giao thông, lưới điện, thông tin liên lạc, trường học, bệnh viện sớm ổn định đời sống nhân dân, các hoạt động kinh tế xã hội và sẵn sàng ứng phó với bão số 10. Tiếp tục rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở, ngập sâu, chia cắt. Đối với khu vực miền núi, tổ chức lực lượng kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng phương án sơ tán, di dời người dân đến nơi an toàn. Kiểm tra, rà soát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, vận hành đón lũ; đảm bảo an toàn công trình, hạ du, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.
"Cần đảm bảo an toàn hồ, đập, bởi hồ đập đóng vai trò rất quan trọng trong việc cắt lũ cho hạ du. Nhất là trong những cơn bão vừa qua ở miền Trung, nếu không có hồ thủy điện thì gây áp lực lớn ngập lụt hạ du. Cần quản lý vận hành thật tốt, kiểm tra, rà soát thường xuyên những vị trí xung yếu của hồ đập. Duy trì trực ban 24/24h, tổ chức thông tin kịp thời cảnh báo vùng hạ du để chủ động ứng phó", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia theo dõi chặt chẽ, tăng cường các bản tin dự báo bão, mưa lũ phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo khắc phục nhanh hệ thống điện, công tác đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện trong và sau bão. Các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ khẩn trương triển khai theo phương án ứng phó đảm bảo phù hợp, hiệu quả.
- Nhóm các nhà khoa học làm ra được "pin Mặt Trời ngược", ở trong bóng tối cũng tạo được điện (17.10.2019)
- Công Nghệ 3 trong 1 mới : Đảo năng lượng mặt trời (15.10.2019)
- Đánh thức nguồn năng lượng từ nhiệt thải (15.10.2019)
- Sử dụng điện mặt trời trong nuôi tôm: Hướng mới nhiều hứa hẹn (11.10.2019)
- Khánh thành trung tâm điều khiển vận hành nhà máy điện mặt trời từ xa đầu tiên của Việt Nam (11.10.2019)
- Giải Nobel Hóa học mở đường cho nguồn năng lượng thay thế (10.10.2019)
- Sóc Trăng sắp có thêm dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú 3 (10.10.2019)
- Bà Rịa –Vũng Tàu: Giải tỏa cơn khát điện năng ở vùng sâu và hải đảo (09.10.2019)
- EVNSPC hợp tác với Agribank thực hiện Dự án đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc (09.10.2019)
- Sức hút của điện mặt trời đối với các nhà đầu tư (09.10.2019)